Báo động về các bệnh lý về đường hô hấp vào thời điểm giao mùa

Vào mùa hè và mùa thu, số lượng trẻ em nhập viện tại bệnh viện Bãi Cháy (tại Quảng Ninh) do mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, tiểu phế quản… ngày càng tăng cao. Suy hô hấp cấp là một căn bệnh nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng. Trung bình, suy hô hấp cấp tính là nguyên nhân gây tử vong ở khoảng 40% trong số 200.000 bệnh nhân ở Hoa Kỳ mỗi năm. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường của loại bệnh hô hấp này cần rất nhiều sự hỗ trợ, từ việc chẩn đoán cho đến điều trị bệnh. Mời bạn đọc tham khảo bài viết này của chúng tôi để tìm hiểu thêm về cách phòng tránh bệnh suy hô hấp ở trẻ.

Các ca bệnh trong tình trạng nguy cấp

Bệnh nhi T.Q.Đ. (9 ngày tuổi, trú tại Bằng Cả, Hạ Long, Quảng Ninh) nhập viện cấp cứu; trong tình trạng ho khò khè, khó thở, nhịp thở nhanh, co kéo các cơ hô hấp, bỏ bú. Các xét nghiệm cho thấy nồng độ oxy máu giảm (P02: 66 mmHg), chụp X-quang cho hình ảnh mờ không đều 1/2 phổi phải và nhu mô phổi trái. Các bác sĩ chẩn đoán: Bệnh nhi bị suy hô hấp độ II do viêm phế quản phổi và xử trí hút thông đường thở, thở oxy.

Theo dõi sát sau 2 giờ, tình trạng không đáp ứng, bệnh nhi được chuyển thở máy; điều trị kháng sinh phối hợp, dinh dưỡng tĩnh mạch, vật lý trị liệu hô hấp. Trải qua 5 ngày điều trị tích cực, dấu hiệu suy hô hấp của bệnh nhi cải thiện, hình ảnh X-quang phổi và xét nghiệm khí máu có xu hướng tốt dần lên.

Một trường hợp khác là bệnh nhi M.A.X. (14 ngày tuổi, trú tại Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh) có tiền sử đẻ non 34 tuần. Bệnh nhi vào viện vì ho kèm theo bú kém, nôn trớ.

Các bác sĩ Khoa Nhi đã thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng chẩn đoán: Bệnh nhi suy hô hấp độ II do viêm phế quản phổi/ Sơ sinh non 34 tuần. Bệnh nhi được chăm sóc, điều trị tích cực theo phác đồ. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng còn nặng.

Chia sẻ của bác sĩ về bệnh lý đường hô hấp

Thực trạng bệnh đường hô hấp thời điểm giao mùa

Trước thực trạng gia tăng trẻ nhập viện do bệnh lý đường hô hấp thời điểm giao mùa, bác sĩ Nguyễn Thị Sơn, Phó Trưởng Khoa Nhi cho biết: Thời tiết giao mùa là một trong điều kiện thuận lợi làm gia tăng các bệnh lý đường hô hấp ở trẻ nhỏ như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, hen phế quản, viêm mũi họng, viêm tai giữa… Bệnh có thể gây biến chứng suy hô hấp nghiêm trọng, nguy cơ tử vong ở nhóm trẻ dưới 2 tháng tuổi và nặng nề hơn ở trẻ sinh non khi mắc bệnh… nếu không được điều trị kịp thời, tích cực.

bệnh lý đường hô hấp
Thực trạng bệnh ở trẻ hiện nay

Đặc biệt, thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp; nhiều phụ huynh có tâm lý e ngại dịch bệnh, tự sử dụng thuốc điều trị cho trẻ tại nhà. Chỉ đến khi trẻ chuyển nặng mới đưa đến viện làm cho quá trình chăm sóc; điều trị sẽ khó khăn, thời gian hồi phục kéo dài hơn.

Khuyến cáo của bác sĩ

Trẻ dưới 2 tháng tuổi. Đặc biệt là trẻ sơ sinh khi viêm phổi có thể không sốt hoặc chỉ ho rất ít. Lứa tuổi này rất dễ bị nhiễm bệnh. Khi mắc viêm phổi thường dễ dẫn đến tình trạng suy hô hấp. Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện trẻ thở nhanh hơn bình thường, bú kém, hoặc bỏ bú, khò khè hoặc ho, sốt… Phụ huynh cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn hoặc đưa trẻ đến bệnh viện. Để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng.

Đối với trẻ sơ sinh, hệ thống miễn dịch còn non yếu; cần hạn chế tiếp xúc với nhiều người, không hôn trẻ. Tuyệt đối không cho người có biểu hiện ho, sốt tiếp xúc hoặc chăm sóc trẻ… Để tránh lây nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh lý đường hô hấp.

Bé bị bệnh đường hô hấp
Khám bệnh cho bé

Phòng tránh các bệnh đường hô hấp

Bệnh đường hô hấp có thể do các loại virus gây bệnh. Những loại virus này tồn tại trong xung quanh môi trường sống của chúng ta. Vậy để có thể phòng tránh chúng ta cần:

– Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những người mắc bệnh hoặc đeo khẩu trang khi ra đường, tới những khu vực đông người.

– Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh.

– Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, nên rửa tay bằng xà phòng để có thể loại bỏ virus, để virus không có cơ hội xâm nhập vào cơ thể.

– Khi thay đổi thời tiết, cần giữ ấm cho cơ thể. Vệ sinh không gian sống thường xuyên, tạo không gian thoáng mát. Tránh ở những nơi có độ ẩm cao vì đây chính là điều kiện thuận lợi để cho mầm bệnh phát triển.

– Tăng cường đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể nhằm tăng cường sức đề kháng. Vận động, tập thể dục thể thao thường xuyên để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *